Chào mừng đến với sieuthietbi.vn, Đăng Ký | Đăng Nhập
Giới Thiệu | Lợi Ích | Quảng Cáo | Liên Hệ
 
Nâng cao
Trang chủ > Tin tức mới > Thế Giới Số > Tablet giá rẻ - “cửa sống” cho doanh nghiệp?

Tablet giá rẻ - “cửa sống” cho doanh nghiệp?

ICTnews - Khi những sản phẩm tablet “tên Việt thân Tàu” khó tìm được “cửa sống” ở phân khúc giá 5 – 6 triệu đồng, thì nhiều quan điểm đang cho rằng việc tham chiến ở “hạng” 2 - 3 triệu đồng có thể sẽ giúp doanh nghiệp làm nên chuyện.



"Gây sốc" bằng tablet giá 1,98 triệu đồng


Giữa lúc thị trường máy tính bảng (tablet) tầm trung và cao cấp đang chứng kiến sự tung hoành của iPad (Apple) hay Galaxy Tab (Samsung) với mức giá trên dưới 10 triệu đồng, thì ở phân khúc bình dân giá rẻ, hiện gần như vẫn chưa có sản phẩm nào thực sự tạo được chú ý.


Tuy nhiên, đầu tháng 3/2012, một doanh nghiệp chưa mấy tên tuổi là Công ty TNHH Thương mại Trí Nam tại Hà Nội đã tạo ra được “cú sốc” cho thị trường tablet giá rẻ nội địa khi tuyên bố tung ra chương trình bán 10.000 chiếc tablet BiPad 9 thương hiệu Việt với giá chỉ 1,98 triệu đồng (khi không được áp dụng chương trình ưu đãi, sản phẩm cũng chỉ có giá khoảng 2,5 triệu).


Sản phẩm chạy hệ điều hành Android 2.3, có thể nâng cấp lên Android 4.0 ICE, Chip Cortex A8 1.2Ghz, Ram 512MB DDR3, bộ nhớ trong 4GB và cho phép cắm thẻ nhớ ngoài lên tới 16GB, trang bị cổng USB 2.0, Wi-Fi và hỗ trợ kết nối 3G qua USB 3G.


Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên ICTnews, ngay khi xuất hiện, “tân binh” BiPad 9 đã nhanh chóng hâm nóng thị trường tiêu dùng tablet trong nước bởi… giá bán “dưới mức bình dân”, đồng thời khiến cuộc cạnh tranh ở phân khúc tablet giá rẻ (chỉ trên dưới 2,5 triệu đồng) tại thị trường trong nước thêm xôm tụ do trước thời điểm BiPad 9 xuất hiện, từ vài tháng gần đây thị trường trong nước có cả “rừng” tablet thương hiệu Trung Quốc với tên gọi Teclast, Onda, Window hay Icoo, Ainol… “tham chiến” giành thị phần.


“Chúng tôi quyết định chấp nhận bán với mức giá như vậy để nhiều người tiêu dùng với túi tiền hạn chế có thể sắm về sử dụng. Và quan trọng hơn, chúng tôi muốn chứng minh thực tế là một sản phẩm dù giá rẻ nhưng chất lượng không hề kém như số đông người tiêu dùng trong nước lâu nay thường ấn tượng”, trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Nguyễn Anh Hoa – Giám đốc Kỹ thuật của Trí Nam bày tỏ.


Nên “né” phân khúc 5 – 6 triệu đồng?


Cho dù đang có nhiều ý kiến trái chiều đặt ra xoay quanh sự xuất hiện của BiPad 9, tuy nhiên thực tế cho thấy, đặt trong thời điểm hiện nay khó thương hiệu nào (cả trong và ngoài nước) có thể tung ra một sản phẩm tablet được phân phối chính hãng kèm chế độ bảo hành 1 năm lại ở mức giá dưới 2 triệu như vậy.


Chính vì thế, sau khi cái tên “BiPad 9 giá 1,98 triệu” xuất hiện, thì giới kinh doanh thiết bị công nghệ trong nước nhận định với đặc thù tiêu dùng sản phẩm công nghệ tại Việt Nam, rất có thể việc theo đuổi chiến lược kinh doanh “giá rẻ thực sự” như Trí Nam sẽ làm nên chuyện.

Một sản phẩm tablet giá 2,5 triệu của Trung Quốc. Ảnh: H.P

 

Nhận định này không phải thiếu căn cứ. Bởi trước hết, thời gian gần đây, việc kinh doanh những sản phẩm tablet đắt hơn các sản phẩm trên dưới 2 triệu như Teclast, Onda, Window hay BiPad với giá tầm 4 - 6 triệu đồng vẫn đang bị người tiêu dùng Việt coi là “nửa rẻ nửa đắt” khi bị đem ra so sánh với thương hiệu có tiếng của nước ngoài.


"Ví dụ, các sản phẩm của Pi Việt Nam hay FPT Tablet đang gặp khó vì hiện vấp phải sự cạnh tranh từ PlayBook của RIM hay Kindle Fire từ Amazon nhập khẩu. Cách đây vài tháng, khi những sản phẩm đó có giá 6 – 8 triệu đồng thì Pi Việt Nam hay FPT Tablet vẫn thênh thang cửa để kinh doanh, nhưng với việc vừa giảm giá chỉ còn khoảng 6 triệu đồng với PlayBook hay trên dưới 5 triệu của Kindle Fire, thì bỗng dưng Pi Việt Nam, FPT Tablet lại rơi vào phân khúc đồng giá rất bất lợi, người tiêu dùng dễ đắn đo "cố thêm chút ít để mua được sản phẩm hàng hiệu"", đại diện một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị số tại phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội nhận định.


Chưa hết, xét ở phân khúc từ dưới 2 triệu đến 2,5 triệu đồng, hiện nhiều mẫu tablet của Trung Quốc đang được bán tại thị trường Việt Nam cũng chỉ được bán với số lượng nhỏ giọt thông qua các cửa hàng bán lẻ, thời gian bảo hành, hậu mãi kém và hơn hết là nhiều sản phẩm còn sử dụng công nghệ “lỗi mốt” như cảm ứng điện trở, không hỗ trợ kết nối 3G.


Do đó, một sản phẩm được phân phối chính hãng, làm được những điều mà hàng giá rẻ xách tay nhỏ lẻ chưa làm được thì dễ “ghi điểm” đối với thị trường.


Trao đổi với phóng viên ICTnews gần đây, anh Trần Văn Hiền, quản lý của dangcapso.com 76 Trần Đại Nghĩa, Hà Nội (một doanh nghiệp cũng kinh doanh tablet giá trên 2 triệu đồng) khẳng định với mức giá như vậy, tablet bình dân có lượng khách hàng lớn là học sinh, sinh viên hoặc những người thích trải nghiệm tablet để giải trí, lướt web nhưng chưa đủ điều kiện sắm hàng đắt tiền.


C hính vì thế, từ tất cả những yếu tố phân tích trên, có thể nói xem ra “cửa” cho sản phẩm tablet chính hãng giá chỉ trên 2 triệu đồng đang khá thênh thang để đánh vào lượng lớn khách hàng bình dân.


Nguyên Đức