Chào mừng đến với sieuthietbi.vn, Đăng Ký | Đăng Nhập
Giới Thiệu | Lợi Ích | Quảng Cáo | Liên Hệ
 
Nâng cao
Trang chủ > Tin tức mới > Xã Hội > Chất thử phát hiện chất tạo siêu nạc trong thịt: Có nhưng chưa bán được

Chất thử phát hiện chất tạo siêu nạc trong thịt: Có nhưng chưa bán được

Cách đây vài năm các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu bộ kit nhằm phát hiện nhanh hóa chất tạo siêu nạc trong thịt. Song đến nay, hầu hết các nghiên cứu này đều chưa thương mại hóa được.
 

Cách đây 4 năm, Th.S Lê Trọng Văn và các cộng sự tại Viện Kỹ thuật hóa sinh - Tài liệu nghiệp vụ (Bộ Công an) đã công bố nghiên cứu bộ kit kiểm tra nhanh dư lượng chất tăng trọng (clenbuterol) trong thịt và thức ăn gia súc.



Lật lại những công bố vài năm trước



Đây là sản phẩm của đề tài "Nghiên cứu chế tạo test dạng que nhúng trên cơ sở sắc ký miễn dịch để phát hiện nhanh chất tăng trọng trong thịt và thức ăn chăn nuôi" do Sở KH- CN Hà Nội chủ trì.


Bộ kit kiểm tra nhanh clebuterol do Viện Kỹ thuật hóa sinh - Tài liệu nghiệp vụ chế tạo (Ảnh: Trọng Văn)


Bộ kit được cấu tạo khá đơn giản, gọn nhẹ và dễ sử dụng, được bảo quản trong một túi nilon có kích thước 10 x 15cm. Kit thử cho độ chính xác lên tới 98-99%. Người tiêu dùng lúc đó cũng rất háo hức trước thông tin: "Nếu chúng ta làm chủ được kháng thể đơn dòng, giá sản phẩm có thể hạ xuống chỉ còn 1.000 - 2.000đ/kit. Sắp tới, chúng tôi dự định sẽ nghiên cứu về công nghệ kháng thể đơn dòng. Nếu làm chủ được công nghệ này, việc hạ giá thành sản phẩm là điều đương nhiên. Khi ấy, người dân có thể mua sản phẩm để sử dụng trong mỗi lần đi chợ".


Cũng liên quan đến bộ sản phẩm cùng loại này, 8/2011, Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (SHBI) phối hợp với Công ty Thời đại Xanh (Green Age) cũng loan báo sự ra đời của bộ xét nghiệm nhanh giúp phát hiện thuốc tăng trọng Clenbuterol trong thịt gia súc, thủy hải sản hay nấm Aflatoxin ở nông sản chỉ trong vòng 1 giờ thay vì từ 7-10 ngày trong phòng xét nghiệm như trước.


Lại nghiên cứu rồi... để đó!



Tuy nhiên, tác giả bài viết đã cố gắng tìm hiểu trên thị trường, vào tận một số cửa hàng chuyên cung cấp các kit thử thuộc Viện Hóa học, Viện Hóa học công nghiệp… để tìm những bộ kit thử nói trên, nhưng đều nhận được cái lắc đầu: không có!



Chúng tôi đã điện thoại đến Th.S Lê Trọng Văn và được ông cho biết, sau khi hoàn thành đề tài nghiên cứu, nhóm của ông vẫn chưa thể triển khai thương mại hóa được sản phẩm. Lý do được đưa ra đó là nhu cầu thị trường không có (!?). Tuy nhiên, trước thực trạng đang gây bức xúc như hiện nay, nhóm nghiên cứu hiện đang khẩn trương lập hồ sơ đăng ký sản phẩm trước khi bán ra thị trường-một thủ tục mang tính chất pháp lý bắt buộc. Dự kiến, nhanh nhất đến... tháng 5 mới có thể xong.

Người tiêu dùng băn khoăn trước chất lượng thịt heo (Ảnh minh họa: Cao Xuân Vinh)


Tuy nhiên, về giá thành bộ kit, Th.S Văn khẳng định, hiện giá bán tính sơ bộ cũng khoảng từ 40.000-50.000 đ/kít thử, không thể hạ hơn được nữa. Ông cũng thừa nhận, nếu với giá bán đó, rất phi thực tế để đến được tay người tiêu dùng bởi chẳng ai đi mua 3 lạng thịt mà phải bỏ ra tới ngần đó tiền để kiểm tra thịt ô nhiễm hay không ô nhiễm.

Cũng liên quan đến giá bán, Th.S Lâm Đình Bảo, phụ trách dự án phát triển các sản phẩm kiểm tra thuốc tăng trọng của Công ty Thời đại Xanh (Green Age) cũng khẳng định, giá bộ kit thử mà đơn vị ông sản xuất là 180.000đ. “Nếu có cố gắng đầu tư sản xuất đại trà, thay đổi công nghệ thì giá bán cũng không thể thấp hơn 100.000 đ/kit thử”.

Chia sẻ về sự khó khăn khi đưa sản phẩm này ra thị trường, Th.S Lâm Đình Bảo cho biết, chưa nói đến giá bán kit thử quá cao, tâm lý người bán cũng khó chấp nhận cho người tiêu dùng cầm que thử thịt mà mình bán. Thế nên, theo hai nhà sản xuất này, giải pháp để người tiêu dùng tự kiểm tra sản phẩm chỉ mang tính chất tình thế. Sản phẩm kit thử này chỉ thực sự ý nghĩa khi chúng được các cơ quan quản lý, nhà hàng, siêu thị, bếp ăn tập thể sử dụng. Đó chính là biện pháp hỗ trợ kiểm tra chất lượng sản phẩm từ trang trại chăn nuôi trước khi đến tay người tiêu dùng.

“Tất nhiên, dưới góc độ nhà nghiên cứu, chúng tôi cũng sẽ tìm giải pháp công nghệ để hạ thấp nhất giá thành sản phẩm sao cho người tiêu dùng có thể chấp nhận được. Nhưng để làm được điều đó phải mất 2- 3 năm nữa”, Th.S Bảo khẳng định.