Chào mừng đến với sieuthietbi.vn, Đăng Ký | Đăng Nhập
Giới Thiệu | Lợi Ích | Quảng Cáo | Liên Hệ
 
Nâng cao
Trang chủ > Tin tức mới > Kinh tế - Thị Trường > Sài Gòn săn... sưa giống

Sài Gòn săn... sưa giống

Bà Nga, người bán sưa, cho biết: “Số sưa giống ở đây vốn là cây con được nhân giống từ cây bố mẹ ở vườn bách thảo Hà Nội, sau đó đem về Phú Yên ươm tại vườn nhà rồi mới vận chuyển vào TP.HCM. Giống ở vườn bách thảo thì chắc chắn là giống chuẩn, khách hàng cứ yên tâm”.

2.000 đồng mua giấc mơ tỉ phú

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề về giấy xác nhận nguồn gốc, lai lịch của số sưa giống, bà Nga lại không chịu đưa ra. Bà nói: “Đây là cây ở nhà ươm. Chất lượng bảo đảm, ưng thì mua, không thì thôi chứ ở đây không cấp giấy, chắc giá 40.000 đồng/cây. Mua cả ngàn cây cũng giá đó chứ không bớt được”.

Một người đàn ông tên Thìn, người chào bán sưa giống trên mạng, hẹn chúng tôi đến chân cầu vượt Linh Xuân, Q.Thủ Đức. Tại đây, một cậu bé tên An chạy xe máy ra đón khách đi xem sưa. Sau khi băng qua con hẻm ngoằn ngoèo, cuối cùng chúng tôi được đưa vào một khu nhà trọ của công nhân. Sưa con được xếp trước cửa phòng trọ. Một số ít xếp trong góc sân, bên dưới bồn chứa nước.

Dưới trời nắng gắt, số sưa con có vẻ èo uột. An cho biết: “Số sưa giống này được chở từ Vĩnh Phúc về”. Giá cây ở đây chỉ từ 15.000-20.000 đồng/cây. Cây loại 15.000 đồng đã hết hàng. Nếu muốn mua nhiều, khách phải đặt trước. Cũng như điểm bán sưa ở Q.Bình Tân, sưa ở đây không có “giấy khai sinh”. “Ai tin thì mua thôi chứ không chỗ nào cấp giấy tờ hay bảo hành đâu. Em trong nghề em biết” - An nói.

Còn bà Hân, người kinh doanh sưa giống trên đường TA 18, P.Thới An, Q.12, cho biết giá sưa giống chỉ 2.000 đồng/cây. Đó là giá bán tại vườn ươm ngoài Bắc. Nếu khách hàng không tự chuyên chở thì bên bà vận chuyển vào tận nơi nhưng giá cây sẽ bị đẩy lên mức 4.500 đồng/cây. Đặc biệt mua với số lượng từ 3.000-5.000 cây, cơ sở của bà sẽ làm giấy cam kết bảo đảm chất lượng cây giống. Bà quảng cáo: “Cây sưa bạc tỉ, mua có 2.000 đồng, quá rẻ. Nhà chị tự ươm lấy nên mới có giá đó. Chị chỉ bán buôn chút đỉnh kiếm đủ tiền sữa cho con thôi”.

“Sốt” sưa

Tại nhiều điểm bán sưa ở TP.HCM, lượng người đến mua khá đông, nhộn nhịp. Hầu hết đều có lý do chung là “thấy gỗ sưa bây giờ giá trị quá nên muốn thử vận may, biết đâu sau này trúng lớn, thu bạc tỉ”. Nhưng cách trồng ra sao, phân biệt giống sưa thật thế nào... thì hầu hết đều không biết. Không chỉ những người có vườn, có đất trồng rộng rãi mà ngay cả nhiều người ở nhà phố cũng mua sưa trồng để... thử thời vận.

Bà Nguyễn Thị Hoa, nhà trên đường Quang Trung, Q.Gò Vấp, nói nhà bà chỉ có một khoảng sân nhỏ nhưng vẫn quyết định trồng 20 cây sưa vì: “Có nhiều người mách chỉ cần vài năm nữa sưa lớn một tí  cũng bán được 5-7 triệu đồng/cây, coi như để tiết kiệm”. “Tui ở chung cư, chỉ có một khoảng sân trước nhà nhưng cũng mua năm cây sưa trồng thử coi sao. Nghe nói đợi nó lớn vài năm rồi sang tay cũng kiếm được bạc triệu. Thấy người ta mua sưa dữ quá nên cũng sốt ruột” - ông Nguyễn Huy Cường, nhà ở chung cư tại P.Tân Thới Nhất, Q.12, nói.

Dọc nhiều con đường vùng ven như quốc lộ 1A, quốc lộ 22, đường Tô Ký, xa lộ Hà Nội... các điểm bán sưa giống mọc lên khắp nơi, có nơi tập trung đến vài chục cơ sở. Ngoài những cửa hàng chuyên buôn bán sưa, một số vựa kiểng cũng chạy theo nhu cầu thị trường nhập cây sưa về bán. Vựa kiểng Hữu Hảo (đường Tô Ký, Q.12) dành hẳn một góc vườn trưng bày cây sưa giống.

Chủ vựa kiểng này cho biết thời gian qua, một lượng lớn khách tới đây không phải để mua hoa và cây kiểng như trước mà thường hỏi mua sưa giống. Theo chủ vựa kiểng này, bình quân mỗi ngày có thể bán được hàng chục cây, có lúc bán được hơn 100 cây/ngày. Còn ông Hòa, có đại lý nằm tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 1A (H.Bình Chánh), nói cứ 2-3 ngày đại lý bán được khoảng 10.000 cây sưa giống với giá 30.000-35.000 đồng/cây.

Tại mỗi điểm bán, người bán đưa ra một cách để phân biệt sưa trắng với sưa đỏ (loại sưa có giá trị kinh tế) khác nhau khiến người mua hết sức hoang mang.

Người bán sưa ở đường Bạch Đằng, Q.Tân Bình, tư vấn: “Thân cây sưa trắng thường có màu xanh, thân cây sưa đỏ không có màu này. Lá hai loại cây này giống nhau nhưng lá sưa đỏ dày hơn. Khi trưởng thành, dễ dàng phân biệt hai loài cây này hơn vì thân cây sưa đỏ mốc, xù xì, quả chùm. Cây sưa trắng thân xanh, nhẵn, quả đơn...”.

Còn An - cậu bé bán sưa ở chân cầu vượt Linh Xuân - nói: “Lá sưa trắng bầu tròn, lá sưa đỏ dài nhọn, lá sưa trắng bề mặt có lông, lá sưa đỏ không có lông. Sau khi trồng được 1-2 năm, cành cây đã lớn, chặt cành xem lõi cây mới biết chính xác là sưa gì”.

MAI LÂM - MẬU TRƯỜNG

 

Giám định 10 mẫu, chỉ có 2 mẫu là sưa đỏ

TS Hoàng Thị Thanh Hương, phó khoa lâm nghiệp Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết cây sưa từ trước tới nay có giá trị như nhiều loại cây nhóm 1 khác, chủ yếu trồng để làm cảnh, lấy bóng mát trong các công viên hè phố. Thậm chí có những thời điểm, gỗ sưa không có giá trị bằng các loại gỗ khác như cẩm lai, giáng hương, gõ đỏ...

Tuy nhiên những năm trở lại đây, do nhu cầu từ Trung Quốc nên giá sưa cao gấp hàng trăm lần giá trị thực của nó. Có thể khẳng định giá trị của cây sưa hiện nay chỉ là giá trị nhất thời.

Do đó, liệu bây giờ đổ xô đi tìm cây sưa giống để về trồng, chờ hơn 10 năm sau mới cho thu hoạch thì giá trị cây sưa có còn được như bây giờ? Đó là chưa kể hiện trên thị trường có nhiều loại giống sưa, người mua không thể phân biệt được. Nếu muốn trồng đúng giống sưa đỏ, cần có sự thẩm định, tư vấn của nhà chuyên môn.

Thời gian qua, nhiều người tìm đến Trường ĐH Nông lâm TP.HCM nhờ giám định gỗ sưa đỏ. Tuy nhiên, trong mười mẫu đưa đến để giám định thì chỉ có hai mẫu là đúng loại sưa đỏ, còn lại là các loại gỗ sưa khác.

MẬU TRƯỜNG